Tầm quan trọng của người bố trong việc giáo dục trẻ
Phần lớn sự nghiên cứu của các nhà tâm lý học, nhà xã hội đều cho thấy tầm quan trọng của người bố trong giáo dục ở gia đình là không thể thay đổi được. Trước hết, người bố tham gia vào công việc dạy dỗ trong nhà sẽ có lợi cho việc tăng cường phát triển trí lực và tư chất của con cái. Tư duy lôgic sức sáng tạo, năng lực tưởng tượng của người bố nói chung tốt hơn người mẹ. Khi họ chơi với con, dễ hòa nhập có thể làm thỏa mãn yêu cầu, sở thích của trẻ. Một số hoạt động thể thao như đạp xe, bơi lội, chơi bóng… có bố cùng chơi và hướng dẫn, trẻ sẽ chơi tích cực, khoa học và an toàn hơn. Trong quá trình ấy, mục đích phát huy trí lực, rèn luyện sức khỏe mài dũa ý chí cũng có thể dễ dàng thực hiện.
Người bố tham gia việc giáo dục trong gia đình còn có lợi cho bồi dưỡng năng lực xã giao của con cái. Người bố thường xuyên ở bên con cái, trong giao tiếp con cái sẽ có cảm giác an tâm và tự tin, dễ dàng tiếp xúc, kết bạn với mọi người.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, người bố tham gia dạy dỗ con cái còn có thể thúc đẩy con cái có niềm mơ ước, theo đuổi thành tựu sự nghiệp. Các nhà xã hội học cho rằng, lòng say mê nghề nghiệp có mối liên hệ mật thiết với quan hệ cha con. Nói cách khác, con cái có quan hệ mật thiết với người bố, nhìn chung đều có chí tiến thủ và nghị lực công tác. Nếu bố mẹ cùng quan tâm bồi dưỡng con cái, thì dù con trai hay con gái cũng đều phát triển tương đối toàn diện về các mặt ngôn ngữ, toán học và hiểu các khái niệm khác trong cuộc sống.
Phần lớn các tư liệu nghiên cứu cho thấy rằng: Con cái luôn luôn tiếp thu sự dạy dỗ của người mẹ và thiếu sự tham gia của người bố, sẽ dễ sinh ra dựa dẫm; khi thoát ly gia đình, năng lực độc lập, tự chủ kém. “Con cái cần có sự dạy dỗ của người bố”, câu nói ấy hoàn toàn đúng.