Cách xử lý khi trẻ nói dối
Trẻ nói dối, trước hết phải phân biệt xem nó có ý thức hay vô ý thức. Bởi vì có đứa do tuổi còn nhỏ, hiểu biết chưa đầy đủ, khái niệm còn mơ hồ, năng lực biểu đạt ngôn ngữ kém cho nên nói sai.
(Ảnh minh họa)
Ví dụ:
– Một cháu bé ở vườn trẻ nói với bạn: “Hôm qua, bố đưa tớ đến chơi nhà cô, cô tớ là bác sĩ…”.
– Một bé khác đứng cạnh nói ngay:”Mày nói dối, hôm qua mày đi chơi với chúng tao!”.
Cháu vé ấy nói dối ư? Không phải. Bố cháu đưa cháu đến nhà cô chơi là ngày hôm kia. Do khái niệm về thời gian của trẻ không chính xác. Cho nên, chuyện của ngày hôm kia nói thành chuyện của ngày hôm qua. Cô của cháu cũng không phải là bác sĩ, mà là công nhân bánh kẹo. Cháu nhìn thấy cô mặc áo trắng, đeo khẩu trang đội mũ, cháu cho rằng đó là bác sĩ. Nếu không làm rõ nguyên nhân, sẽ dễ hiểu lầm.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng có thể phát hiện một số hành vi lừa dối có ý thức của trẻ. Trong đó có một nguyên nhân quan trọng là phương pháp giáo dục không đúng, kém hiệu quả của bố mẹ, sẽ tạo cho trẻ có lời nói và hành động giả dối.
Trẻ con thích bắt chước, khả năng phân biệt xấu tốt đối với sự vật kém. Chúng luôn luôn cho rằng mọi việc người lớn làm đều là đúng cả. Có khi học làm theo, vì thế mà những lời nói hành động không tốt của người lớn cũng được trẻ học tập.
Ví dụ: Bố mẹ không muốn cho người khác mượn một thứ gì đó, liền cho trẻ trả lời: “Hỏng rồi”. Bố lại nói: “Cho người ta mượn, làm hỏng thì sao? Sau này, khi gặp những trường hợp như thế, trẻ sẽ học làm như vậy. Không muốn cho bạn mượn tẩy nó bèn nói dối “Không mang đi” hoặc “Không có”.
Như vậy, nếu nhiều lần trẻ nói dối mà không dạy bảo kịp thời, sẽ dần dần trở thành nói dối có mục đích.
Bố mẹ chọn phương pháp giáo dục không thích ứng đối với trẻ cũng tạo cho trẻ có cử chỉ và hành động không thành thực.
Ví dụ: Bố mẹ quản lý trẻ quá chặt và thô bạo, thưởng phạt không minh, chúng sẽ tìm biện pháp dối trá để đối phó lại với sự chửi mắng và roi vọt, trốn tránh sự trừng phạt của bố mẹ.
Bố mẹ quá nuông chiều con, dạy bảo không thống nhất, cũng có thể tạo điều kiện lừa dối cho trẻ. Người lớn tùy tiện hẹn với trẻ, lại không giữ lời hứa, không đáp ứng đầy đủ yêu cầu chính đáng của trẻ, cũng sẽ tạo cho trẻ có những ngôn hành không thành thực.
Khi trẻ có những hành vi dối trá, bố mẹ không giáo dục nghiêm khắc, mà lại khen ngợi, cho rằng chúng linh hoạt, thông minh… Điều đó, vô tình đã khích lệ những ngôn hành không tốt cho trẻ.
Như vậy, nên làm thế nào để bồi dưỡng cho trẻ thành người thành thực? Trước hết người lớn phải làm tấm gương mẫu mực cho trẻ noi theo. Mọi lúc, mọi nơi đều phải có ý thức giáo dục trẻ không nói dối, không đánh lừa người khác, làm cho trẻ hiểu rõ cái hại của sự không thành thực.